Bối cảnh Trận Wœrth

Không lâu sau khi cuộc Chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Phổ-Đức Helmuth Graf von Moltke đã hội đủ các đạo binh hùng hậu của mình của mình trên một diện rộng từ Koblenz xuống Karlsruhe vào đầu tháng 8 năm 1870. Cánh trái của ông gồm Tập đoàn quân số 1 (50.000 quân) dưới quyền Thượng tướng Bộ binh Karl von Steinmetz và Tập đoàn quân số 2 (134.000 quân) dưới quyền Thân vương Friedrich Karl trên mạn bắc, cánh phải gồm 125.000 quân của Tập đoàn quân số 3 do Thái tử Friedrich Wilhelm chỉ huy ở phía nam. Cuối ngày 3 tháng 8, Moltke đánh điện cho Friedrich Wilhelm: "Chúng tôi dự định tiến hành một đợt tổng tiến công; ngày mai Tập đoàn quân số 3 sẽ vượt biên giới tại Wissembourg". Chủ trương của vị Tổng tham mưu trưởng là tập kết Tập đoàn quân số 2, với Tập đoàn quân số 1 yểm trợ sườn phải, trên bờ đông sông Saar để cầm chân chủ lực Tập đoàn quân Rhine của Pháp dưới quyền Napoléon III trong khi Tập đoàn quân số 3 (125.000 quân) tràn vào Alsace, đánh quỵ bộ phận quân Pháp tại đây rồi vượt dãy Vosges. Tiếp theo đó, Tập đoàn quân số 2 sẽ tấn công quân chủ lực Pháp trong khu vực từ Saarbrücken đến Sarreguemines trong khi Tập đoàn quân số 1 từ Tholey quành xuống phía nam bao vây sườn trái và Tập đoàn quân số 3 vòng lên phía bắc để bọc kín sườn phải.[2][9][10]

Chấp hành chỉ thị của Moltke, Thái tử Friedrich Wilhelm cùng tham mưu trưởng của mình là Trung tướng Leonhard Graf von Blumenthal thúc quân tiến công Alsace vào buổi sáng ngày 4 tháng 8 năm 1870. Blumenthal hiểu rằng ông chỉ phải đương đầu với một lực lượng mỏng hơn của Pháp gồm Quân đoàn I (4 sư đoàn) dưới quyền Thống chế Patrice de Mac-Mahon tại khu vực biên giới và Quân đoàn VII (3 sư đoàn) dưới quyền tướng Felix Douay tại Belfort. Thêm vào đó, trong khi khoảng cách giữa 2 quân đoàn Pháp quá xa để có thể hỗ trợ lẫn nhau, các sư đoàn của Mac-Mahon lại bị dàn trải một cách tai hại. Trong trận đánh lớn đầu tiên của cuộc chiến, 50.000 quân Đức thuộc các Quân đoàn V, XI (Phổ) và II (Bayern) đã đè bẹp hàng phòng thủ của Sư đoàn 2 – đơn vị đi đầu của Quân đoàn I – gồm 8.600 quân Pháp do tướng Abel Douay chỉ huy ở thị trấn biên ải Wissembourg. Bản thân Douay bị thiệt mạng khi một xe đạn phát nổ và người kế nhiệm ông là tướng Jean Pélle phải rút tàn binh Sư đoàn 2 chạy về phía tây nam theo hướng Strasbourg, bỏ lại 1.092 người bị bắt làm tù binh cùng tất cả số đạn dược.[2][3][4]

Tổ chức phòng ngự của Quân đoàn I Pháp

Thống chế MacMahon đã từng lập nhiều công trạng cho Pháp trong cuộc Chiến tranh Pháp-Áo năm 1859.

Cuộc thua trận tại Wissembourg (Weissenburg) đã cho MacMahon thấy được mối đe dọa sát sườn với các đơn vị của ông. Tuy nhiên, do tin mình còn có thể tổ chức phòng ngự hiệu quả trên một chiến tuyến vững mạnh với trọng điểm là làng Frœschwiller, viên Thống chế vẫn hành động một cách bị động. Để tăng cường quân phòng vệ, MacMahon đã mượn một sư đoàn của Quân đoàn VII ở Belfort; và, theo như ông đánh điện về Metz vào đêm ngày 4 tháng 8, vị Thống chế thậm chí còn hy vọng có thể sẽ chuyển sang phản công nếu như trong tay ông có thêm một quân đoàn nữa. Để đáp ứng nhu cầu của MacMahon, Hoàng đế Pháp đã đặt Quân đoàn V (tướng Pierre de Failly) dưới sự điều khiển trực tiếp của ông. Ngày 5 tháng 8, trong khi các sư đoàn của Quân đoàn I tập kết quanh Frœschwiller và sư đoàn Conseil Dumesnil từ Belfort được đưa đến từng phần một bằng đường sắt, MacMahon hiệu triệu cho Failly nam tiến qua dãy Vosges. Nhưng Failly tỏ ra thụ động do ông không muốn bỏ mặc khu vực biên giới từ Sarreguemines đến Bitche, nơi các đơn vị của ông đang trấn giữ. Không có Quân đoàn V, MacMahon chỉ nắm được trong tay 42.800 bộ binh, 5.570 kỵ binh và 167 đại bác để đối mặt với 3 đội hình hàng dọc của Thái tử nước Phổ, với 89.000 bộ binh, 75.000 kỵ binh và 342 đại bác.[2][9]

Vào ngày 5 tháng 8, MacMahon khai triển 5 sư đoàn của mình trong một cứ điểm phòng ngự vững chắc nằm trên một dãy đồi cao, dốc và phủ rừng chạy dài theo hướng bắc-nam và nhìn về phía đông qua thung lũng sông Sauer. Dãy đồi này cũng chế ngự làng Wœrth – nơi MacMahon không đóng quân vì ông tránh sự tái diễn trường hợp xảy ra với sư đoàn đơn độc của Douay ở Wissembourg. Giống như trận địa phòng thủ của Quân đoàn II Frossard trong trận Spicheren cùng ngày, hệ thống phòng thủ của MacMahon được xem là một trong những "vị trí tuyệt vời" (position magnifique) của quân đội Pháp. Ở bên trái, ông chốt Sư đoàn số 1 dưới quyền tướng Auguste Ducrot tại Nehwiller và Niederbronn. Ở trung tâm, vị thống chế bố trí Sư đoàn số 3 dưới quyền tướng Noel Raoult phòng ngự chặt chẽ quanh ngôi làng chủ chốt Frœschwiller cùng với lực lượng pháo binh chủ lực của ông. Ở cánh phải, cánh yếu nhất trong đội hình phòng ngự của Pháp, MacMahon bài trí sư đoàn Lartigue và các thành phần của sư đoàn Dusmenil tại Morsbronn và Rừng Hạ (Niederwald). Chỉ có một lữ đoàn của sư đoàn Dusmenil kéo tới trận tuyến phòng ngự của MacMahon vào ngày 5 tháng 7; các đơn vị còn lại của sư đoàn – ngoại trừ lực lượng pháo binh – tới đây trong buổi sáng ngày hôm sau.[2][4]

Ở đằng sau các đơn vị cánh phải, MacMahon đặt sư đoàn tàn tạ của Pelle và lữ đoàn thiết kỵ Michael (sư đoàn kỵ binh Xavier Duhesme), làm trừ bị.[9] Phía sau Frœschwiller, vị thống chế bố trí sư đoàn kỵ binh trừ bị của tướng Bonnemain, gồm 4 trung đoàn thiết kỵ binh (khoảng 2.000 lính).[4] Các vị trí phòng thủ của ông rắn chắc đến mức mà MacMahon khẳng định rằng Thái tử Phổ sẽ không dám phát động tấn công.[2]

Hoạch định của Tập đoàn quân số 3 Đức

Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm, sau này là vị Hoàng đế 99 ngày Friedrich III.

Do các đơn vị kỵ binh Phổ không thể tiếp tục truy kích ra ngoài Wissembourg, Friedrich và Blumenthal bị mất dấu bộ phận chủ lực Quân đoàn I Pháp vào ngày 5 tháng 8. Trước tình hình này, hai ông quyết định lùng sục khu vực phía đông dãy Vosges trước khi rẽ vào vùng núi và tiến ra Lorraine. Trong khi kỵ binh được lệnh thám sát về hai hướng tây và nam, Thái tử và Blumenthal đã ban lệnh cho Tập đoàn quân số 3 tiếp tục hành binh xuống phía nam theo hướng HaguenauStrasbourg. Hai ông tổ chức đội hình Tập đoàn quân số 3 theo một khối vuông nhằm dễ bề ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra:[2][9]

  • Ở giữa, Quân đoàn V của Phổ – với thành phần chủ yếu là người Ba Lan – do Thượng tướng Bộ binh Hugo von Kirchbach chỉ huy và Quân đoàn XI của Phổ (thành phần chủ yếu là người các xứ Nassau, HessenSachsen sáp nhập vào Phổ năm 1866) do Trung tướng Julius von Bose chỉ huy tràn xuống Wœrth và Soultz.
  • Phía bên trái, Quân đoàn Baden-Württemberg dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Bộ binh Phổ August von Werder tiến từ Lauenburg lên Aschbach. Cách Werder 8 km về phía bắc có Quân đoàn I của Bayern do Thượng tướng Bộ binh Ludwig von der Tann chỉ huy.
  • Bên sườn phải có Quân đoàn II Bayern của Thượng tướng Bộ binh Jakob von Hartmann, cách quân đoàn Kirchbach 8 km về phía bắc, tràn xuống đoạn đường tới Lembach.

Friedrich và Blumenthal ban đầu đặt giả định rằng MacMahon đang chạy vào ẩn náu tại pháo đài Strasbourg.[9] Nhưng đầu chiều ngày 5 tháng 8, một toán kỵ binh Đầu lâu (Totenkopf) khi đi tuần tiễu qua Wœrth đã phát hiện ra các cứ điểm quân Pháp trên sông Sauer. Đến đêm, Friedrich và Blumenthal đã xác định rõ: MacMahon hồ như chưa hề rời Frœschwiller, nơi ông ta đóng giữ trong thời gian diễn ra trận Wissembourg. Frœschwiller có thể bị hợp vây bởi một đạo quân lớn. Do vậy, buổi tối ngày 5 tháng 8, Thái tử Phổ và Tham mưu trưởng của ông bắt tay vào việc dàn dựng kế hoạch huy động toàn bộ Tập đoàn quân số 3 tổ chức thế trận bao vây tiêu diệt (Kesselschlacht) vào ngày 7 tháng 8.[9] Cùng đêm, quân tiền vệ Quân đoàn V di chuyển vào các vị trí đối diện với phòng tuyến quân Pháp bên kia sông Sauer. Do binh lính đã mỏi mệt sau những cuộc hành quân dài trên những đoạn đường chật ních trong khi việc tổ chức các tuyến đường tiếp tế vẫn chưa hoàn tất, Blumenthal quyết định cho quân nghỉ ngơi và chấn chỉnh đội ngũ vào ngày 6 tháng 8.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận Wœrth http://woerth-en-alsace.com/franc/Presentatmusee.h... http://www.laguerrede1870enimages.fr/ http://www.omaha-beach.org/Travel/1870/Woerth.html http://battlefieldseurope.co.uk/woerth.aspx http://books.google.com.vn/books?id=5z6NTY2YxR8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=6ulFAwAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vEqqKo_IGPcC&p... https://archive.org/stream/menwhohavemadene02stra/... https://web.archive.org/web/20051217020440/http://...